Tại sao nhà đầu tư cần tìm hiểu các quy định, chính sách đầu tư tại Việt Nam
Hiện nay, với các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI hàng năm vào Việt Nam không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, khi bước chân vào một thị trường mới, đặc biệt là môi trường kinh doanh của một nước đang phát triển như Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài luôn phải thận trọng và tìm hiểu kỹ càng. Bên cạnh yếu tố văn hóa xã hội thì sự khác biệt về yếu tố chính trị và luật pháp là những vấn đề quan trọng và nhà đầu tư cần tìm hiểu. Đặc biệt, việc nghiên cứu các chính sách, quy định pháp luật trước khi đầu tư là thật sự cần thiết nhằm hạn chế rủi ro khi hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng năm 2021 của Bộ kế hoạch và đầu tư. Tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, có thể thấy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang có xu hướng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những chính sách riêng, một hệ thống luật pháp riêng để quản lý các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi có mong muốn đầu tư vào Việt Nam cần tìm hiểu các chính sách pháp luật có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dự kiến. Cụ thể, thông qua việc nghiên cứu pháp luật, các chủ trương, chính sách kinh tế… doanh nghiệp sẽ nhận diện được các ràng buộc cũng như ưu đãi đối với loại hình đầu tư dự kiến của mình. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có những bước chuẩn bị chủ động hơn và có cơ sở cân nhắc về lợi ích cũng như rủi ro tiềm ẩn khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam.
Thứ nhất, về hệ thống quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư. Việt Nam có hệ thống pháp luật điều chỉnh khá đầy đủ nhưng phức tạp. Do có quá nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, thẩm quyền bị chồng chéo, thiếu đồng bộ, không thống nhất với nhau là những trở ngại khá khó khăn cho các nhà đầu tư khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu pháp luật là cần thiết và thật sự là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư.
Cụ thể, đối với ngành nghề đầu tư. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được kinh doanh một số ngành nghề thỏa mãn điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu các quy định cụ thể về điều kiện thành lập, tham gia góp vốn, tỷ lệ vốn góp… để có kế hoạch chuẩn bị vốn, lựa chọn loại hình đầu tư phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và quy mô đầu tư dự kiến.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu quy định về tổ chức các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định pháp luật. Bởi vì nó sẽ là cơ sở để nhà đầu tư xác định được mức vốn góp, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư khi tham gia đầu tư. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có những suy tính, cân nhắc phù hợp với kế hoạch đầu tư, tránh tình huống bị động hoặc việc thành lập, góp vốn không đạt được mục tiêu đề ra trước khi đầu tư.
Thứ hai, về các chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư cần nghiên cứu các chính sách liên quan đến lĩnh vực thuế. Các chính sách thuế của các nước sẽ có sự quy định khác nhau, vì vậy nhà đầu tư cần phải tìm hiểu các chính sách về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất đối với các loại thuế thu nhập cá nhân, chính sách tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước để tuân thủ nghĩa vụ đóng thuế và bảo đảm các quyền lợi của mình trong quá trình tiến hành đầu tư tại Việt Nam.
Hơn nữa, để đảm bảo các giao dịch về dòng tiền, nhà đầu tư cần có hiểu biết về chính sách ngoại hối của Việt Nam. Việc am hiểu các chính sách mua, bán ngoại tệ của ngân hàng sẽ giúp nhà đầu tư linh động trong thực hiện các hoạt động của dự án. Chính sách lao động cũng là một thông tin mà nhà đầu tư cần nắm để đảm bảo công tác tuyển dụng và chi trả lương, phúc lợi phù hợp với các chính sách của nhà nước. Các chính sách kinh tế, tài chính do nhà nước quy định trong từng thời kỳ như: chính sách cấp vốn hoặc cho vay vốn, chính sách thuế của nhà nước, chính sách kinh tế đối ngoại quan hệ, chính sách ngoại giao… Đây là những thông tin quan trong ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư.
Chính sách, pháp luật và chính trị có ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Thông qua pháp luật, nhà nước thể chế hóa các chủ trương, chính sách kinh tế thành luật các điều khoản có giá trị bắt buộc chung cho mọi hoạt động kinh doanh. Theo đó, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để nhà đầu tư mạnh dạng tiến hành đầu tư. Vì thế, nhà đầu tư nước ngoài cần nắm về chính sách, chủ trương của nhà nước để đầu tư đúng hướng, linh động thực hiện, điều chỉnh hành vi kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả đầu tư cao.
Các quy định pháp luật và các chính sách liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam được quy định rất phức tạp và thay đổi qua từng giai đoạn khác nhau. Do đó, trước khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu, kiểm tra thông tin và tính xác thực của thông tin thu thập để đảm bảo tính đúng đắn, hiệu lực của các quy định, chính sách đó. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài nên tìm một chuyên gia am hiểu về pháp luật và chính sách của Việt Nam để khi đăng ký đầu tư hoặc gặp bất kỳ vấn đề nào họ có thể giải quyết kịp thời và hạn chế thiệt hại có thể xảy ra cho nhà đầu tư.
Nhận xét
Đăng nhận xét